Tháng 4
GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ đã trở nên thật gần gũi, thân thương, là một biểu tượng đẹp, rất đáng tự hào của người Việt Nam. Những hi sinh, gian khổ mà họ trải qua trong chiến tranh; những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là dấu ấn sâu đậm, mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Ngày 30 tháng 4 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta thể hiện niềm tự hào và biết ơn sâu sắc những chiến sĩ đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước thư viện xin trân trọng giới thiệu đến các thầy cô và các bạn cuốn sách đặc biệt của ngày hôm nay có một cái tên rất trẻ, tràn đầy sức sống, đó là cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, dày 295 trang, được in trên khổ giấy 13x19cm.
Các bạn học sinh thân mến!
Trước mắt các bạn bây giờ không phải là cuốn sách bình thường nữa, mà là một cuộc đời, một số phận đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến. Các bạn sẽ thấy một trái tim, một tâm hồn của một con người. Cuốn sách đặc biệt của ngày hôm nay có một cái tên rất trẻ, tràn đầy sức sống: " Mãi mãi tuổi hai mươi" là cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (1952-1972) viết từ ngày nhập ngũ 2-10-1971 đến ngày 24-5-1972 do NXB Thanh Niên giới thiệu tháng 5-2005 là cuốn nhật ký đầy dặn và khá hoàn chỉnh được xuất bản. Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn Những lá thư chiến tranh đã sưu tầm, giới thiệu tập nhật ký này..
Bạn đọc thân mến, người các bạn gặp trên trang sách này là một người trai Hà Nội. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học là khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang thời kì căng thẳng, ác liệt nhất. Anh học giỏi cả "xã hội" và "tự nhiên" như thời ấy thường nói, nghĩa là cả văn và toán. Ở Trung học, anh đoạt giải nhất thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Ở Đại học, anh là sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ,Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh có thể được chọn một con đường khác vào đời. Nhưng anh và cả thế hệ anh, năm tháng ấy đã cởi áo sinh viên để khoác lên mình áo lính. Không có sự lựa chọn nào khác khi Tổ quốc lâm nguy, bởi "Cuộc đời đẹp nhất của thanh niên là trên trận tuyến đánh quân thù".Và anh, một thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, đã chấp nhận và dấn thân, dấn thân không theo nghĩa hiện sinh mà theo nghĩa yêu nước, " Nước còn giặc còn đi đánh giặc, đánh đến cùng mới thôi"..
Bạn đọc thân mến, người trai Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Quảng Trị hơn 50 năm về trước. Hôm nay, sau 48 năm ngày chiến tranh khép lại, các bạn đang có trên tay mình những tâm tình của anh qua cuốn sổ nhật kí quân ngũ anh ghi trong quãng thời gian huấn luyện tân binh.
Trước lúc hi sinh, anh vẫn nói với đồng đội:" chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa...bao dự định còn dang dở." Anh đã hi sinh khi tuổi mới 20.
Tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hôm nay, khi đất nước ta đã hoà bình, độc lập, nhân dân Việt nam luôn ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha anh, những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.
Nhật kí "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà các bạn có thể tìm đọc tại thư viện nhà trường.
Buổi giới thiệu sách hôm nay đến đây là hết. Cuối cùng kính chúc các thầy cô và các bạn học sinh tuần mới nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui.