Tháng 2
GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH
Các bạn độc giả thân mến!
Hà Nội có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Hồ Tây, Lăng Bác và Văn miếu Quốc Tử Giám, … Một trong những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô Hà Nội chính là Hồ Gươm hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm. Vì sao hồ lại có tên như vậy, các bạn có câu trả lời khi tìm hiểu cuốn sách “ Sự tích Hồ Gươm”, được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản năm 2020; cuốn sách gồm 183 trang, khổ 19cm.
Cuốn sách giới thiệu về đất nước ta dưới ách đô hộ của giặc Minh phương bắc. Chúng cướp đàn áp, bóc lột nhân dân ta dã man, ai cũng căm giận giặc Minh.
Hồi đó ở làng Như Áng huyện Lương Giang phủ Thanh Hòa có hòa trưởng tên là Lê Lợi. Ông rất tinh thông võ nghệ, giỏi cầm quân đánh giặc, lại giàu lòng yêu nước thương dân. Trước sự tàn ác của giặc, ông đã triệu tập binh mã, chờ thời cơ chuẩn bị khởi nghĩa. Cùng thời gian ấy ở Thanh Hòa có người đánh cá tên là Lê Thận. Một hôm anh kéo lưới lên cả hai lần đều chỉ kéo được một thanh sắt nặng. Lần thứ ba kéo lên vẫn là thanh sắt đó; Lê Thận xem xét kĩ hóa ra là một thanh gươm.
Một lần khi Lê Lợi đến nhà Lê Thận chơi, thanh gươm bỗng lóe sáng. Lê Lợi cầm lấy và nhận thấy có hai chữ Thuận Thiên. Một lần khác, Lê Lợi thấy chuôi kiếm nạm ngọc trên ngọn cây. Khi lắp thanh gươm vào thì vừa như in. Từ khi có thanh gươm, cuộc khởi nghĩa của quân ta gặp nhiều thuận lợi và giành thắng lợi. Giặc tan, Lê Lợi lên ngôi vua, lấy hiệu là Lê Thái Tổ. Trong một lần vua Lê Thái Tổ dạo chơi ở hồ Tả Vọng, một con rùa nổi lên giữa hồ và đòi vua trả lại thanh gươm báu. Nhà vua đã trả gươm cho rùa vàng, và cũng từ đó vua đặt tên hồ Tả Vọng là Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm.
Hồ Gươm có cái tên thật đẹp bởi nó được gắn liền với một thời kì chống giặc ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta. Nhắc đến Hồ Gươm, chúng ta càng them tự hào về truyền thống đánh giặc, truyền thống uống nước nhớ nguồn. Để biết rõ và chi tiết hơn về truyện “Sự tích Hồ Gươm”, mời các em tìm đọc tại thư viện trường nhé.
SCD: STN – 00201